Đặc điểm Chiến_thuật_quân_sự

Chiến thuật quân sự có tính linh hoạt hơn chiến lược quân sự, dễ dàng điều chỉnh, thay đổi[4] trong quá trình chiến đấu. Khi tình huống chiến đấu bất lợi, chiến thuật hiện tại thiếu hiệu quả, chiến thuật chiến đấu sẽ được thay đổi. Thông thường là đáp ứng chiến thuật tấn công của quân đội đối phương.

Sự thay đổi của công nghệ vũ khí theo các thời kỳ lịch sử dẫn đến sự thay đổi trong việc tổ chức và trang bị quân đội, từ đó dẫn đến sự thay đổi trong cách thức tiến hành chiến tranh mà cụ thể là sự thay đổi trong chiến thuật quân sự. Một điển hình, chiến thuật kỵ binh đã không còn được sử dụng bởi việc loại bỏ kỵ binh ra khỏi chiến tranh hiện đại. Tuy nhiên, những chiến thuật của nó có thể được tham chiếu cho việc xây dựng và phát triển chiến thuật các lực lượng mới như tăng-thiết giáp.

Chiến thuật quân sự được sáng tạo và sử dụng trong một điều kiện và hoàn cảnh cụ thể. Các quốc gia nằm trong vùng có điều kiện tự nhiên khác biệt sẽ có sự khác biệt về cách thức tổ chức quốc phòng, bao gồm các chiến lược quân sự, chiến thuật quân sự liên quan phòng thủ, phản công hay tấn công. Chiến thuật quân sự hiệu quả nhất luôn thích ứng với môi trường hình thành của nó.

Chiến thuật quân sự không chỉ bị chi phối bởi điều kiện tự nhiên, mà còn chịu sự chi phối bởi điều kiện kinh tế-xã hội. Chẳng hạn, quân kháng chiến ở các thuộc địa chống lại quân đội phương Tây vốn hùng mạnh hơn thường chọn lựa các chiến thuật phù hợp với sự yếu kém của mình về vật chất, như vũ khí và phương tiện chiến tranh,...

Trong việc thực thi chiến đấu trên chiến trường, trong một trận đánh cụ thể, quân đội có thể sử dụng một chiến thuật quân sự, nhưng thông thường luôn có sự sử dụng nhiều chiến thuật quân sự trong cùng một trận đánh. Chúng được vận dụng một cách trình tự hoặc kết hợp. Một ví dụ điển hình là các trận chiến trên sông Bạch Đằng trong lịch sử Việt Nam, ban đầu quân Việt sẽ tấn công thu hút thủy quân đối phương rồi sử dụng chiến thuật giả vờ rút lui để dẫn dụ họ theo đuổi nhằm đánh một trận đánh với chiến thuật phục kích, khi quân đội đối phương rơi vào bẫy định sẵn của trận địa cọc sắt, thuyền chiến của họ bị đâm thủng, chiến thuật dùng cọc gỗ với đầu bọc sắt là chiến thuật thủy chiến đặc trưng, độc đáo trong lịch sử quân sự Việt Nam.